Trang chủ Tin tức Triển lãm sơn mài Mùa xuân Độc lập kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám tại Hà Nội

Triển lãm sơn mài Mùa xuân Độc lập kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám tại Hà Nội

bởi Linh

Nghệ thuật sơn mài truyền thống của Việt Nam đang được tiếp tục phát huy và nâng tầm bởi thế hệ trẻ hôm nay. Họa sĩ Chu Nhật Quang, một cái tên nổi bật trong giới hội họa Việt Nam, đã và đang tiếp tục hành trình của mình trong việc tái hiện lịch sử dân tộc qua nghệ thuật sơn mài.

Sau triển lãm ‘Dấu thiêng’ tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long vào năm 2024, họa sĩ Chu Nhật Quang chuẩn bị giới thiệu 20 tác phẩm sơn mài khổ lớn tại triển lãm ‘Mùa xuân Độc lập’ nhân Kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Quá trình sáng tạo của họa sĩ Chu Nhật Quang bắt nguồn từ niềm đam mê và tình yêu với nghệ thuật sơn mài truyền thống của dân tộc.

Với 7 năm theo học nghệ thuật ở nước ngoài và tiếp thu tư duy hội họa phương Tây, nhưng Chu Nhật Quang đã lựa chọn sơn mài truyền thống của Việt Nam. Sự đam mê này đã được hun đúc từ những ngày tháng sống trong không gian căn hộ chật chội ở ngõ nhỏ Hà Nội của ông nội, Nghệ sĩ Nhân dân Chu Mạnh Chấn và cha, Nghệ sĩ Ưu tú Chu Lượng, hai họa sĩ sơn mài nổi tiếng.

Họa sĩ Chu Nhật Quang đã tìm tòi và phát huy kỹ thuật làm vóc tranh và tạo màu sơn mài truyền thống. Anh đã vượt qua được những giới hạn của sơn mài truyền thống để tạo ra nhiều màu thể hiện trong tranh. Không chỉ vậy, anh còn mạnh dạn tìm tòi và nghiên cứu thể hiện sơn mài trên những bức vóc khổ lớn liền khối từ nguyên liệu tái chế.

Triển lãm ‘Mùa xuân Độc lập’ sẽ diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, bao gồm 20 bức tranh cỡ lớn, trong đó có những bức lên tới gần 20m2. Nội dung của triển lãm giống như một hành trình qua từng sự kiện tiêu biểu của lịch sử dân tộc, với hình khối kiến trúc mang vẻ đẹp đặc trưng vùng, miền trong sự thống nhất chung của văn hóa dân tộc.

Điểm nhấn của triển lãm là các tác phẩm sơn mài hai mặt ‘Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập’ và ‘Bắc Nam thống nhất’, mỗi bức nặng 2 đến 3 tấn. Hình tượng vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc được thể hiện sinh động, khắc họa tầm vóc trí tuệ, sự bao dung cùng tình cảm của Người với đất nước và nhân dân.

Cùng với đó là loạt tranh khổ lớn mang tên ‘Con đường Bác Hồ’, tái hiện hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức chân dung sơn mài lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc năm 1920 cũng là một điểm nhấn của triển lãm, với hình ảnh phía trước là chân trời giải phóng rộng mở cho dân tộc.

Theo Nghệ sĩ Ưu tú Chu Lượng, ‘Cái hay và độc đáo là Quang sáng tạo tranh về đề tài lịch sử dưới con mắt cũng như cách hiểu của những người trẻ hôm nay. Tôi rất mừng vì họ đã biết cảm nhận, nghĩ về lịch sử đúng hướng và đã bắt đầu kế tiếp chúng tôi gánh trên vai trách nhiệm người nghệ sĩ với đất nước và dân tộc’.

Có thể bạn quan tâm