Kháng kháng sinh đang là một trong 10 mối đe dọa sức khỏe cộng đồng toàn cầu, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ảnh hưởng của nó không chỉ dừng lại ở sức khỏe con người mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với hệ tiêu hóa và miễn dịch. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do con người bị phơi nhiễm mãn tính với dư lượng kháng sinh trong thực phẩm hằng ngày.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng ngay cả khi lượng kháng sinh tồn dư trong sữa hoặc thịt ở mức nhỏ, cũng có thể gây rối loạn vi sinh đường ruột, làm tăng nguy cơ dị ứng, tổn thương gan thận hoặc suy giảm chức năng sinh sản. Tổ chức Y tế thế giới đã nhiều lần cảnh báo về vấn đề kháng kháng sinh, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi ngày càng phổ biến.

Việc tồn dư kháng sinh trong thực phẩm không chỉ đe dọa sức khỏe người tiêu dùng mà còn làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh, gây khó khăn cho việc điều trị bệnh. Đối với trẻ nhỏ, sự ảnh hưởng của dư lượng kháng sinh trong thực phẩm lại càng nghiêm trọng. Hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch chưa ổn định khiến trẻ nhỏ cực kỳ nhạy cảm với các chất như kháng sinh, hormone tăng trưởng hay thực phẩm biến đổi gene.
Nếu không được kiểm soát, việc tích lũy các chất này trong cơ thể có thể tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến miễn dịch, chuyển hóa, nội tiết… Do đó, việc lựa chọn thực phẩm an toàn và chất lượng là rất quan trọng. Tại nhiều quốc gia phát triển, người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển đổi tư duy trong việc lựa chọn thực phẩm. Từ việc ưu tiên sản phẩm giàu chất dinh dưỡng, hiện nay người tiêu dùng có xu hướng chọn sản phẩm thuận tự nhiên, với sự tinh khiết được đặt lên hàng đầu.
Những sản phẩm này ưu tiên dưỡng chất tự nhiên và loại bỏ những chất nhân tạo gây hại như dư lượng kháng sinh, hormone tăng trưởng, thực phẩm biến đổi gene, chất bảo quản nhân tạo, chất tạo màu,… Khi đến với sản phẩm dành cho trẻ nhỏ như sữa tươi, chuyên gia y tế khuyến cáo cần chú trọng ngay từ yếu tố an toàn đầu vào, chứ không chỉ là hàm lượng dinh dưỡng của sữa.
Việc kiểm tra nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, quy trình chăn nuôi, sản xuất là những bước quan trọng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe trẻ nhỏ. Rõ ràng, chất lượng thực phẩm không chỉ đến từ sự phong phú mà còn từ sự vắng mặt của những chất đáng lo. Và khi đó, việc nói ‘không’ với những chất gây hại mới là nền tảng của một cuộc sống ăn sạch, sống lành thực sự.